Phức hợp kim tự tháp Khafre

Bài chi tiết: Kim tự tháp Khafre
Kim tự tháp Khafre và tượng Nhân sư lớn.

Khafra đã xây dựng kim tự tháp lớn thứ hai ở Giza. Tên theo tiếng Ai Cập của kim tự tháp này là Wer (en) -Khérre, nó có nghĩa là "Khafre Vĩ Đại".[7]

Kim tự tháp này còn có một kim tự tháp phụ kèm theo, nó được gọi là GII a. Hiện vẫn chưa rõ ai đã được chôn cất trong kim tự tháp này. Nhiều dấu triện đã được tìm thấy ở đây với các tước hiệu như "Người con trai cả của đức vua từ thân thể của ngài".. cùng với tên Horus của Khafre.[7]

Đền thung lũng

Ngôi đền thung lũng của Khafre có vị trí nằm ngay cạnh sông Nile và nằm cạnh ngay bên phải ngôi đền Nhân sư. Những dòng chữ khắc được tìm thấy ở lối vào của nó đã đề cập đến thần Hathor và Bubastis. Nhiều khối đá được tìm thấy vẫn còn lưu giữ lại một phần của dòng chữ khắc có tên Horus của Khafre (Weser-ib). Mariette đã phát hiện ra các bức tượng của Khafre tại đây vào năm 1860. Một vài bức tượng đã được tìm thấy trong một cái giếng trên sàn của ngôi đền và bị mất đầu. Tuy thế những bức tượng hoàn chỉnh khác cũng đã được tìm thấy[7].

Đền tang lễ

Ngôi đền tang lễ của ông nằm ngay cạnh kim tự tháp. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong ngôi đền này những mảnh vỡ của đầu chùy có khắc tên của Khafre cũng như một số bình đá[7].

Tượng Nhân sư lớn và ngôi đền Nhân sư

Bức tượng Nhân sư được cho là có niên đại dưới triều đại của Khafra. Quan điểm này được thừa nhận là nhờ vào vị trí của bức tượng nhân sư so với phức hợp Kim tự tháp của Khafra, và một sự giống nhau tương đối với cấu trúc khuôn mặt trên các bức tượng của ông. Tượng Nhân sư lớn ở Giza có thể đã được khắc họa giống như là một người bảo vệ cho của kim tự tháp Khafra, và như là một biểu tượng của quyền lực hoàng gia. Nó đã được thần thánh hóa dưới thời kỳ Tân Vương Quốc.[8]